Winamp Logo
Healy Chilly Cover
Healy Chilly Profile

Healy Chilly

Vietnamese, Health / Medicine, 1 season, 7 episodes, 4 hours, 2 minutes
About
Đây là chương trình Podcast mang phong cách vui tươi và năng lượng tích cực, nhắm tới nhóm độc giả Gen Z và Millennials, đặc biệt những người có vấn đề tâm lý nhưng khó chia sẻ, bày tỏ. Người dẫn chuyện trong loạt Podcast này là Khánh Linh. Cô sẽ cùng với khách mời tâm sự về các vấn đề tâm lý, kinh nghiệm vượt qua và có cuộc sống tích cực hơn.
Episode Artwork

Healy Chilly. Ep7 - Học cách hàn gắn với người thân sau nhiều năm mâu thuẫn

Khách mời của Healy Chilly tuần này là anh Nam Taro với một chủ đề mới lạ nhưng đầy thú vị với người trẻ gen Z. Là một điều phối viên được đào tạo theo phong cách giáo dục khai phóng tại Nhật Bản, Nam và các cộng sự tạo nên những không gian cộng đồng để mọi người sẵn sàng mở lòng chia sẻ cũng như kết nối với nhau. Theo Nam lý giải, những người khép kín, ít nói không có nghĩa họ không có gì để nói. Hay trong một tập thể làm việc với nhau, có những người biểu đạt quá nhiều và những người ngại đưa ra ý kiến. Công việc của anh là khuyến khích những người ngại nói hãy thoải mái chia sẻ quan điểm của mình, còn người nói quá nhiều hãy học cách lắng nghe. "Nhiều nhóm bạn chơi với nhau hàng chục năm, nhưng chưa thực sự hiểu nhau. Những đồng nghiệp làm việc nhóm luôn gặp thất bại vì cái tôi mỗi người quá lớn. Các không gian mà chúng tôi tạo ra là để mọi người ý thức sự khác biệt của nhau và cùng thay đổi để thích ứng với tập thể", Nam phân tích. Không chỉ có tác dụng với đoàn thể, các điều phối viên còn tổ chức những không gian riêng tư cho những người thân trong gia đình gặp gỡ và thẳng thắn giải quyết những rạn nứt nghiêm trọng. "Có cặp mẹ con 10 năm trời không nói chuyện với nhau. Khi biết đến sự tồn tại của các không gian an toàn, người con nay đã lớn muốn thử đối thoại với mẹ một cách nghiêm túc về những tổn thương trong quá khứ. Vai trò của người điều phối trong các cuộc nói chuyện này rất quan trọng. Chúng tôi sẽ lắng nghe và điều chỉnh để chắc chắn không ai nói những lời gây tổn thương sâu sắc, khiến cuộc đối thoại đi vào bế tắc hay không thể cứu vãn", Nam cho biết. Cuối cùng, Nam nhấn mạnh một trong những kỹ năng mà các buổi chia sẻ mang đến cho bạn là rèn luyện thói quen lắng nghe thay vì chỉ chăm chăm đưa ra lời khuyên. "Bạn lắng nghe câu chuyện của người khác không phải để khuyên bảo họ, mà để đọc vị cảm xúc của họ", Nam nói. _______   Show: Healy Chilly   Host: Khánh Linh   Khách mời: Nam Taro - Điều phối viên mạng lưới Tròn lành Việt Nam  _______
9/30/202239 minutes, 14 seconds
Episode Artwork

Healy Chilly. Ep6 - Bố mẹ không quan tâm tôi yêu trai hay gái

Là một MC, nhà sáng tạo nội dung được gen Z yêu thích trên mạng xã hội, Tun Phạm luôn giữ tinh thần lạc quan và nguồn năng lượng tích cực suốt buổi trò chuyện cùng Healy Chilly. Theo anh chàng, khi làm công việc này, điều khó khăn nhất là đối diện với những phán xét từ phía dân mạng. "Tôi không hiểu vì sao mọi người lại ghét mình? Tôi từng bị trầm cảm và chỉ muốn chia sẻ những trải nghiệm chữa lành của bản thân cho những bạn cùng trang lứa hoặc ít tuổi hơn mình để giúp họ mà thôi. Mọi người chỉ xem các trích đoạn chia sẻ ngắn của tôi nhưng đã vội phán xét tôi trẻ trâu thích dạy đời người khác", Tun chia sẻ. Anh chàng cũng khẳng định những điều mình phát ngôn trên mạng hoàn toàn vô thưởng vô phạt, chỉ nhằm mục đích giúp mọi người vui vẻ. Trưởng thành sớm hơn bạn bè, Tun thực hiện một lối sống lành mạnh và thực hiện các quy tắc như "không chơi với người tiêu cực, không đưa ra lời khuyên khi không được yêu cầu..." để giữ các mối quan hệ tốt đẹp và không rước bực bội vào mình. "Trước đây tôi dễ bị buồn bởi những bình luận tiêu cực , nhưng bây giờ tôi học được cách bỏ qua mọi thứ. Hiện tại tôi yêu mọi người, không quan tâm mọi người có yêu tôi hay không", Tun cho biết. Tun Phạm tin rằng sự tiêu cực và tích cực là hai thứ song hành trong tuổi trẻ của mỗi người. Thay vì cố gắng cưỡng ép bản thân phải vui vẻ và phớt lờ nỗi buồn, bạn trẻ gen Z nên học cách chấp nhận cảm xúc của mình. "Điều quan trọng nhất là phải tìm cho mình một người có thể chia sẻ và cùng khóc cùng cười", anh chàng cho biết. Dù bận rộn với lịch trình làm việc dày đặc, Tun vẫn dành thời gian đi ăn lẩu và du lịch với bạn bè như liệu pháp giải toả căng thẳng hữu hiệu nhất. _______ Show: Healy Chilly Host: Khánh Linh Khách mời: Tun Phạm - Nhà sáng tạo nội dung _______
9/23/202234 minutes, 29 seconds
Episode Artwork

Healy Chilly. Ep5 - Người làm sáng tạo ‘cần’ cảm giác tiêu cực

Những trải nghiệm tiêu cực giúp người làm sáng tạo mở rộng vốn sống, từ đó thấu hiểu tâm lý khách hàng và nghĩ ra những ý tưởng mới mẻ.  Chị Tiên Narci - khách mời của Healy Chilly tuần này đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo. Được coi là một trong những ngành nghề căng thẳng và bận rộn nhất, những người làm sáng tạo bền bỉ như Tiên luôn phải cố gắng tìm cách cân bằng giữa công việc đầy áp lực và cuộc sống bên ngoài. Tiên chia sẻ thẳng thắn "mọi lời đồn về ngành agency đều đúng nhưng chưa đủ". Ngành sáng tạo rất bận rộn, nhưng không phải quanh năm suốt tháng. Có những thời điểm "con sóng này chưa qua, con sóng khác đã tới", nhưng cũng có khi chơi dài.  Vậy dân sáng tạo làm gì để giữ ngọn lửa với nghề, không để mình bị căng thẳng triền miên? Theo Tiên, người làm sáng tạo thường yêu cái đẹp nên rất thích mua sắm thời trang, phụ kiện để cuộc sống trở nên thú vị hơn. "Đẹp cũng là cách giữ tinh thần tích cực. Mọi người thấy chúng tôi hay thể hiện sự hào nhoáng trên mạng xã hội mà lầm tưởng người làm nghề này không biết buồn. Thực ra con người ai chẳng có lúc tiêu cực. Nhưng chúng tôi biết cách giải toả nỗi buồn, không để sự khó chịu nhấn chìm mình", Tiên phân tích. Trải qua 10 năm thăng trầm với nghề, Tiên thú nhận mỗi lần gặp một khách hàng đòi hỏi vô lý, chị vẫn cảm thấy ức chế như ngày đầu tiên. Nhưng Tiên cho rằng làm trong ngành càng lâu bạn sẽ quen dần với áp lực. Đặc biệt khi bạn làm sếp sẽ có thể chủ động điều chỉnh với khách, để giãn bớt thời hạn nộp bài, yêu cầu cung cấp thêm thông tin và công cụ hỗ trợ... Luôn luôn có cách để công việc trở nên dễ thở, quan trọng là chúng ta có biết thương thuyết với khách hàng hay không. Khi được hỏi "có phải người làm sáng tạo thường điên?", Tiên cho rằng không nên dùng từ "điên", mà là "khác người". Mỗi người dù sáng tạo hay không đều có góc nhìn, quan điểm khác nhau về một vấn đề. Sự "điên" của mình thể hiện qua cách mình giải quyết vấn đề đó.  Tiên thừa nhận gen Z hiện tại dễ bị tổn thương hơn thế hệ của chị. Nguyên nhân bởi ngày nay các bạn trẻ có rất nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp, không làm nơi đây thì làm nơi khác. Bởi vậy những người quản lý như Tiên luôn phải lựa chọn cách cư xử mềm mỏng với các bạn. "Ngày xưa hồi mới đi làm tôi rất sợ bị đuổi việc. Đó là áp lực nhưng đồng thời tôi rèn cho mình ý chí vươn lên rất lớn", Tiên phân tích. Tiên cho biết dù ở vị trí nhân viên hay sếp, người làm sáng tạo có những căng thẳng giống nhau. Cách hiệu quả nhất để mọi người giải quyết vấn đề là cùng nhau ba mặt một lời, hay viết tâm thư cho nhau.  ___ Show: Healy Chilly Host: Khánh Linh Khách mời: Tiên Narci - Giám đốc sáng tạo ___
9/16/202234 minutes, 35 seconds
Episode Artwork

Healy Chilly. Ep4 - Cách tránh tổn thương khi tranh luận trên mạng

Phạm Hồng Anh Thư, sinh năm 1999 từng có khoảng thời gian dài định cư tại Mỹ trước khi về Việt Nam theo đuổi con đường nhà sáng tạo nội dung. Kênh cá nhân của cô nàng hiện có gần 600.000 follow với 21,2 triệu lượt thích. Với Thư, mạng xã hội cũng là một kiểu xã hội. Bạn trẻ nên trang bị cho mình những kiến thức và tư tưởng để không bị tổn thương bởi lời nói của những người xa lạ.  "Mình hoạt động trên nhiều nền tảng, mỗi nền tảng chỉ bộc lộ một phần tính cách của mình sao cho phù hợp với môi trường đó. Ví dụ như Youtube có thể đăng tải video với thời lượng dài nên mình chậm rãi và nền tính. Instagram lại là nơi mình thể hiện phong cách thời trang của bản thân. Trên một nền tảng video ngắn khác, mình lại 'khoe' sự đanh đá", Lilthu cho biết. Tóm lại, Thư cho rằng bạn trẻ đừng bộc lộ hết bản thân của mình khi online. Là người xây dựng nội dung theo phong cách không kiêng nể, Thư phải đối mặt hàng ngày với những công kích ác ý. Bí quyết để "sống sót" của cô nàng trước dư luận là luôn soi chiếu lại bản thân, xem mình có thực sự sai như dân mạng bình luận.  "Quan điểm nào cũng có ý kiến trái chiều và điều đó không hề sai. Nếu mình học hỏi được điều mới từ sự trái chiều đó thì rất tốt cho bản thân", Thư tâm sự. Thư cũng phản đối quan điểm "phải luôn nhìn vào mặt tích cực". Bản thân cô nàng cũng từng gặp nhiều vấn đề tâm lý khi theo đuổi ước mơ trở thành người sáng tạo nội dung. "Ban đầu mình cố gắng giữ suy nghĩ lạc quan, nhưng sau đó cảm thấy đang tự lừa dối bản thân. Thả lỏng và chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực mới là cách tốt nhất để tiễn chúng ra khỏi cuộc sống của mình", Thư bộc bạch. _______ Show: Healy Chilly Host: Khánh Linh Khách mời: Phạm Hồng Anh Thư (Lilthu) - Nhà sáng tạo nội dung _______
9/9/202232 minutes, 1 second
Episode Artwork

Healy Chilly. Ep3 - Trầm cảm khác gì buồn vu vơ?

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Luân có gần 10 năm kinh nghiệm giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực Tâm lý học. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Tâm lý học chuyên ngành Tâm bệnh học và tâm lý lâm sàng tại Đại học Swansea (Vương quốc Anh), hiện tại là giảng viên ngành Tâm lý học tại một trường đại học Quốc tế ở TP.HCM. Đến với Healy Chilly, thầy Luân giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến bệnh trầm cảm, đặc biệt là cách phân biệt bệnh với nỗi buồn thông thường. Với những người mới phát hiện bị mắc vấn đề tâm lý, thạc sĩ Luân khuyên bạn không nên hoang mang. "Đây là dấu hiệu của cơ thể cảnh báo chính mình đã đến lúc dừng lại để nhìn nhận lối sống và tìm cách khắc phục. Bạn nên bình thản đón nhận và tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân, bạn bè, cũng như các nguồn lực xã hội". Khi được hỏi ý kiến về những phương pháp trị liệu "không chính thống" như tìm tới chánh niệm, thiền, yoga... thầy Luân cho biết hoàn toàn ủng hộ bất kỳ phương pháp nào miễn sao bạn cảm thấy phù hợp với mình. Nói về phương pháp của tâm lý học, ông nhấn mạnh việc tìm đến chuyên gia được đào tạo chính thống sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian hơn, không gặp phải tình trạng "mở ra vấn đề nhưng không đóng lại được". "Việc trị liệu cần áp dụng kỹ thuật bài bản đã được kiểm định, can thiệp bằng liệu pháp được thực chứng. Điều này khác với những phương pháp tự phát như chánh niệm, thiền..." thạc sĩ cho biết. Giải đáp cho câu hỏi muôn thuở "Bệnh tâm lý có khỏi hoàn toàn được không?", ông Luân phân tích điều đó tùy thuộc vào định nghĩa của bạn thế nào là "khỏi hoàn toàn"? Ông cho biết có nhiều người chỉ mong được ăn ngủ bình thường trở lại, có người muốn vấn đề được giải quyết triệt để, có người mong không bị tổn thương thơ ấu ám ảnh nữa... Tóm lại, việc trị liệu phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của bạn. Host Khánh Linh lần đầu bày tỏ mong muốn được tìm hiểu và theo học ngành Tâm lý phải bắt đầu thế nào. Thầy Luân hoan nghênh các bạn theo đuổi ngành nếu muốn làm việc với con người, thích giao tiếp, có nguồn năng lượng tích cực và thấu cảm với mọi người xung quanh. Theo thầy, việc trị liệu tâm lý đòi hỏi sự sáng tạo, bởi mỗi người có một nỗi khổ khác nhau và không thể áp dụng một phương pháp giống nhau. Nhận xét về tiềm năng của ngành ở Việt Nam, thầy chia sẻ thắng thắn là tâm lý học chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của xã hội. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, người trẻ dần hứng thú hơn với lĩnh vực này, từ đó mở ra cơ hội tươi sáng. "Tâm lý học không chỉ điều trị sức khỏe tâm thần, mà còn đóng vai trò hiểu về con người để áp dụng cho việc tuyển dụng, đào tạo nhân sự của các cơ quan, đoàn thể", thầy Luân cho biết. _______ Show: Healy Chilly Host: Khánh Linh Khách mời: Nguyễn Huỳnh Luân - Giảng viên ngành Tâm lý học _______
9/2/202243 minutes, 55 seconds
Episode Artwork

Healy Chilly. Ep02 - ‘Sài Gòn đau lòng quá’ giải phóng Hoàng Duyên khỏi nỗi buồn

Trong số thứ 2 của Healy Chilly - series Podcast về sức khoẻ tâm lý, khách mời - ca sĩ Hoàng Duyên đã tâm sự chân thành về những áp lực khi "thi mãi không đỗ trường học nhạc" nào.  Để có được sự yêu mến của khán giả hôm nay, chủ nhân ca khúc Chàng trai sơ mi hồng và Sài Gòn đau lòng quá đã phải nỗ lực rất nhiều. Không chỉ gặp sức ép từ gia đình không ủng hộ, Hoàng Duyên còn phải vượt qua chính mình. Bởi cô nàng là một người hướng nội 100% và rất sợ đám đông.  _______ Show: Healy Chilly Host: Khánh Linh Khách mời: Hoàng Duyên - Ca sĩ, nhạc sĩ _______
8/26/202226 minutes, 28 seconds
Episode Artwork

Healy Chilly. Ep01 - Ở Việt Nam không có bác sĩ tâm lý

Trong số đầu tiên của Healy Chilly, host Khánh Linh sẽ cùng bạn đọc lắng nghe tâm sự của khách mời Lê Nguyên Ly - một art director đồng thời là giáo viên Yoga. Trải qua quá trình trị liệu tâm lý suốt nhiều năm để học cách sống chung với trầm cảm, Ly nhận ra căn bệnh này không đáng sợ như mình tưởng. Hiện tại cô tích cực giúp đỡ những người trẻ khác vượt qua áp lực tâm lý và stress bằng phương pháp thiền. Ly khuyến khích mọi người nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý khi cảm thấy tinh thần không ổn. "Mình tin rằng việc trị liệu cũng giống như hẹn hò, chúng ta nên cởi mở và thoải mái", Ly cho biết. Khán giả trẻ, nhất là nhân viên văn phòng có thể tìm thấy sự đồng cảm khi lắng nghe câu chuyện của Ly. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi tinh thần của bạn trở nên rối bời. Đôi khi yếu đuối lại là biểu hiện của sự tích cực. Che giấu sự căng thẳng và giả vờ mạnh mẽ có thể khiến sức khỏe tâm lý của bạn trở nên xấu hơn. _______ Show: Healy Chilly Host: Khánh Linh Khách mời: Lê Nguyên Ly - Giám đốc sáng tạo và giáo viên Yoga _______
8/19/202232 minutes, 11 seconds